Làng nghề đúc Mỹ Đồng trong thời kỳ 4.0

 Làng đúc Mỹ Đồng là một làng nghề truyền thống thuộc xã Mỹ Đồng, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng.
Làng đúc Mỹ Đồng nổi tiếng với tuổi đời hàng trăm năm và đã trải qua bao thăng trầm theo dòng chảy của thời gian. Đến nay, làng đúc Mỹ Đồng không chỉ duy trì được những giá trị tinh hoa truyền thống mà còn phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trở thành một trong những lá cờ đầu trong phát triển kinh tế của huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Theo lãnh đạo Làng nghề đúc Mỹ Đồng: Nghề đúc ở Mỹ Đồng được hình thành từ đầu thế kỷ XX, khi dân làng học được bí quyết từ những người thợ giỏi đến đây đúc lưỡi cày, cuốc… theo cách hoàn toàn thủ công từ việc thổi lò bằng ống hơi và đẩy bằng tay trong các hộ gia đình. Trong giai đoạn Việt Nam đổi mới, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và kinh tế hộ gia đình, nghề đúc, rèn ở Mỹ Đồng tiếp tục được duy trì và phát triển theo hướng cá thể hóa. Đến nay, toàn xã có 67 hộ đúc (trong đó có khoảng 50% số hộ hộ đúc xuất khẩu), 28 hộ làm cơ khí, 35 hộ rèn, 01 cơ sở luyện thép. Làng hình thành và phát triển khu công nghiệp làng nghề Mỹ Đồng với nghề đúc, rèn kim loại là mô hình sản xuất tiên tiến và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo bà Nguyễn Hồng Ngân- Chủ tịch UBND xã Mỹ Đồng: Nghề đúc gang đã xuất hiện ở Mỹ Đồng cách đây hơn nửa thế kỷ. Người đầu tiên làm nghề đúc gang ở Mỹ Đồng là ông Nguyễn Văn Cáu. Ông Cáu đã học được nghề nối lưỡi cày và làm khuôn đúc gang từ những thợ đúc đồng ở Thanh Hóa. Sau khi đã thạo nghề, ông đã đưa nghề đúc gang về quê hương. Năm 1938, một chiếc tàu cuốc của Pháp bị gãy bộ phận thăng bằng nặng 1 tấn, chủ tàu đi đặt hàng khắp nơi nhưng không làng nghề đúc nào nhận. Lúc đó, ông Cáu nhận và chỉ huy một đội thợ đúc thành công. Sau sự kiện này, làng Mỹ Đồng đã gây được tiếng vang và đi vào thời kỳ phát triển thịnh vượng. Xã kêu gọi những người đã thôi nghề nhưng có tay nghề giỏi truyền nghề lại cho bà con, nhờ đó nghề đã cơ bản phát triển trở lại. Hiện nay, xã đã quy hoạch khu vực làng nghề tập trung tại trung tâm xã Mỹ Đồng với diện tích hơn 5 ha, với 22 doanh nghiệp thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương. Theo lãnh đạo Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng, Trưởng đại diện văn phòng Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên: Nghề đúc gang phát triển đã đem đến sức sống mới cho vùng quê Mỹ Đồng. Về lâu dài, để mở rộng quy mô làng nghề, chính quyền xã Mỹ Đồng đã trình huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng quy hoạch mở rộng làng nghề tập trung, động viên các hộ gia đình còn hoạt động nhỏ lẻ ở trong các thôn vào làng nghề tập trung với mục tiêu phát triển nghề truyền thống, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, tạo thêm cho Mỹ Đồng có thêm nhiều nghệ nhân thợ giỏi mới, giữ vững thương hiệu nghề đúc gang nổi tiếng của Mỹ Đồng. Hiện nay, tại Mỹ Đồng có gần 200 doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực đúc, rèn và gia công cơ khí. Mỗi tháng, làng sản xuất ra khoảng 8.000 tấn sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Châu Âu, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc… Doanh thu của làng nghề chiếm tới khoảng 90% doanh thu toàn xã, tạo việc làm cho hàng ngàn các lao động địa phương và ở các vùng lân cận với mức thu nhập bình quân tương đối cao trong khu vực, trung bình từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của làng nghề Mỹ Đồng hiện nay khá đa dạng, phục vụ cho các ngành: xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp, công nghiệp, tiêu dùng như: vỏ motor điện, máy bơm nước, khung xe máy, chân máy khâu, nắp hố ga, các loại bánh răng, các bộ phận máy xay sát, máy nghiền, xéc măng máy nổ, các dụng cụ, đồ gia dụng, đồ thờ cúng, bày trí… Bên cạnh đó, Mỹ Đồng còn thành công trong việc sản xuất kết cấu thép, vật liệu hàn, thiết bị tàu thủy như cửa chống cháy, nồi hơi, nắp hầm, thiết bị boong, phụ kiện đường ống, xích neo, neo, cánh quạt, động cơ thủy lực, hộp số, chân vịt tàu hay các thiết bị kim loại… Ở Mỹ Đồng giờ đây, nghề đúc không chỉ tồn tại dưới hình thức cha truyền con nối mà nhiều hộ gia đình đã phát triển thành công ty, doanh nghiệp, mỗi năm có doanh thu hàng chục tỉ đồng. Trên phương diện làm nghề, nhiều thợ giỏi, nghệ nhân của làng Mỹ Đồng đã có đóng góp tích cực vào những công trình văn hóa, nghệ thuật quan trọng của đất nước. Tình yêu nghề và kinh nghiệm quí báu được hun đúc và trao truyền lâu nay là cơ sở vững chắc để đưa làng nghề Mỹ Đồng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, tiếp tục là nhân tố quan trọng để xã Mỹ Đồng là một điểm sáng của huyện Thủy Nguyên và thành phố Hải Phòng thực hiện thành công công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. HPC

Bài viết khác

Tác giả: Hai Phong City

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *